Phần I: Khái quát về việc nghiên cứu, phân loại trống đồng ở quốc tế
Chúng ta đều biết, trống đồng phân bổ rất rộng, có nhiều kiểu dáng khác nhau, tồn tại trong những thời gian sớm muộn khác nhau, do những người khác nhau sang tạo ra. Đây là một nhận định hết sức quan trọng được hầu hết các nhà nghiên cứu chấp nhận. Cho đến nay, trống đồng đã phát hiện được ở các nước Đông Nam Á như: Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonexia, Thái Lan, Hoa Nam.
Hoa Hạ và Ấn Độ không phải là khu vực phân bố của trống đồng. Dù có mặt ở nhiều quốc gia, nhưng không phải tất cả các nước đó đều đúc trống đồng. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho chỉ có 2 trung tâm trống đồng là Bắc Việt Nam và Vân Nam Trung Quốc, là 2 khu vực có trình độ luyện kim sớm và cao trong thiên niên kỷ thứ I trước CN. Còn các khu vực khác phát triển muộn hơn hoặc do buôn bán trao đổi, ban tặng mà có.

Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã tiến hành phân trống đồng thành các loại hình khác nhau. Trong đó đáng chú ý là cách phân loại của nhà khảo cổ học người Áo F.Heger từ những năm 1902. Trong công trình “Những trống kim khí cổ ở Đông Nam Á”, ông phân trống đồng thành 4 loại chính và các loại hình trung gian. Trống loại I: có 3 phần tang, thân và chân phân biệt rõ ràngcân đối là loại trống có niên đại sớm nhất và trang trí đẹp nhất, phát hiện được nhiều nhất ở Bắc Việt Nam và Hoa Nam, mà tiêu biểu là loại trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ nước ta. Trống loại II muộn hơn, có 3 phần tang, thân và chân trống phân biệt không thật rõ rang trang trí các vành văn hoa chanh, văn đồng tiền, phát hiện được nhiều trong vùng đồng bào Mường sinh sống từ Phú Thọ đến Nghệ An và miền Nam Trung Quốc. Trống loại III có kiểu dáng hơi khác, mặt trống tràn rộng ra ngoài, tang, thân và chân gần hình ống, phân bố chủ yếu ở vùng Shan Miến Điện, cho đến những năm cuối TK XIX vẫn còn sản xuất. Trống loại IV gần giống kiểu dáng loại I nhưng thấp nhỏ, trang trí 12 con giáp, hoa văn tiền đồng và chữ Hán, phân bố chủ yếu ở vùng dân tộc Hoa Nam, trong những năm đầu TK XX người dân vùng này vẫn sử dụng trong các dịp lễ. Các nhà khảo cổ học người Pháp trước đây như V.Goloubev, Parmentier và nhiều nhà khảo cổ học trong nước đều sử dụng cách phân loại của F.Heger.

Các nhà khảo cổ học Trung Quốc từ rất sớm cũng đã tiến hành nghiên cứu phân loại trống đồng. Trịnh Sinh Hứa với cuốn “Lược khảo về trống đồng” xuất bản năm 1937; Văn Hựu với cuốn “Sưu tập trống đồng cổ” xuất bản năm 1957 và trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu như Khâu Trung Luận, Tường Đình Du, Lỹ Vĩ Khanh, Hoàng Tăng Khánh… đã tiến hành phân trống đồng thành 7 hay 8 loại khác nhau như: Vạn Gia Bá, Thạch Trại Sơn, Lĩnh Thủy Xung, Tuấn Nghĩa, Ma Giang, Bắc Lưu, Linh Sơn, Tây Minh. Các loại hình này cũng nằm trong 4 loại chính và các loại trung gian của phân loại F.Heger, nhưng dung địa điểm phát hiện các trống đồng tiêu biểu làm đại diện. Cái khác nhau cơ bản là các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho loại hình Vạn Gia Bá là loại trống đồng trang trí giản đơn, không có các vành hoa văn đẹp thuộc giai đoạn sớm nhất, trong lúc các nhà nghiên cứu chúng ta thì cho loại đó thuộc loại muộn nhất trong trống loại I Heger . Trống thuộc loại I Heger có niên đại vào khoảng TK V trước CN đến TK I-III sau CN.

Đáng chú ý ban đầu hầu hết các trống đồng đều phát hiện ngẫu nhiên trong lòng đất hoặc trong các đền chùa, nên không xác định được tính chất văn hóa cũng như tộc thuộc của chúng, như các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Miếu Môn… Sau này, khi phát hiện được nhiều di tích khảo cổ thời đại kim khí trên lưu vực sông Hồng, sông Mã và đặc biệt là văn hóa Đông Sơn đươc xác lập thì việc nghiên cứu trống đồng có nhiều thuận lợi. Với sự giống nhau một cách kỳ lạ giữa hoa văn trang trí trên trống đồng và trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn như thạp, thố, rìu giáo, tấm che ngực… và đặc biệt trong một số mộ tang như mộ thuyền Việt Khê, khu mộ Làng Cả, Làng Vạc hay trong một số di chỉ văn hóa Đông Sơn đã phát hiện được trống đồng to cũng như trống đồng minh khí thì trống đồng được xác nhận là một hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Do đó, hầu hết các nhà nghiên cứu trong nước đều xem tróng đồng loại I Heger phát hiện ở VN hầu hết là trống đồng Đông Sơn và đề nghị gọi chúng là trống đồng Đông Sơn.

Không phải tất cả trống đồng phát hiện được ở ta đều thuộc trống đồng Đông Sơn, nhưng muộn hơn và có quan hệ gần xa với trống đồng Đông Sơn. Ngoài trống đồng Đông Sơn, trên đất nước ta đã phát hiện được nhiều loại trống đồng như trống Heger loại II, còn gọi là trống Mường vì được phát hiện ở vùng người Mường cư trú và trong các mộ Mường. Theo GS Hoàng Xuân Chinh, người Mường không phải là người đúc trống đồng. Trống của họ là do triều đình phong kiến Việt Nam ban tặng cho các quan lang, quý tộc Mường. Cho đến nay, nước ta là khu vực có trống loại I Heger phân bổ đậm đặc nhất. Trống đồng Đông Sơn phát hiện được ngày một nhiều. Năm 1975, cả nước chỉ phát hiện được 65 chiếc. Năm 1985 đã có 144 chiếc; năm 1995 có 190 chiếc. Hàng năm đều có phát hiện; đây là số liệu thống kê chính thức được thông báo trong các Hội nghị khảo cổ học hàng năm. Một số địa phương cũng liên tục phát hiện trống đồng Đông Sơn như Thanh Hóa, Hà Tây(cũ), Đắc Lắc. Riêng Lào Cai 2 năm 1993,1994 phát hiện được 19 chiếc. Tỉnh Đắc Lắc chỉ trong vài ba năm gần đây, đã phát hiện được sáu, bảy chục chiếc trống đồng Đông Sơn. Ước tính cả nước phát hiện được trên 500 chiếc trống đồng Đông Sơn.Đó là chưa kể hàng vài trăm trống minh khí. Hiện nay nhiều nhà sưu tầm cổ vật trong nước cũng thích sưu tập lưu giữ trống đồng Đông Sơn. Có người lưu giữ vài chiếc, cũng có người lưu giữ hàng hai chục chiếc.

Chính việc phát hiện được nhiều trống đồng Đông Sơn đã làm thay đổi nhận định của một số nhà nghiên cứu trống đồng cổ Trung Quốc. GS Hoàng Xuân Chinh từng có nhiều lần đến thăm quan bảo tàng các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Thượng Hải, Bảo tàng dân tộc Bắc Kinh…thấy rằng Trung Quốc cũng phát hiện được khá nhiều trống đồng; nhưng chủ yếu là trống loại II và loại IV theo phân loại của Heger. Trống đồng loại I không có nhiều và phát hiện được ở Vân Nam, Quảng Tây. Còn Quý Châu, Quảng Châu tuy cũng thuộc Hoa Nam nhưng cho đến nay cũng chỉ mới phát hiện được vài chiếc. Vài năm trước, khi GS Tưởng Đình Du Chủ tịch Hội nghiên cứu trống đồng Trung Quốc cổ Trung Quốc sang thăm nước ta, sau khi tham quan một số bảo tàng có trưng bày trống đồng như BTLS QG Việt Nam, Bảo tàng Hà Tây (cũ), Bảo tàng Thanh Hóa… Trong buổi tọa đàm trước lúc về nước, ông đã phát biểu là miền Bắc Việt Nam và Vân Nam- Trung Quốc là 2 trung tâm trống đồng thế giới. Quan điểm này hoàn toàn khác với quan điểm của GS cũng như giới nghiên cứu trống đồng Trung Quốc. Trước đó, tại hội thảo quốc tế về trống đồng ở Nam Ninh, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đưa ra nhận định: “ Trống đồng khu vực Bắc bộ Việt Nam tương đối tập trung cũng chỉ là một quả dưa tương đối lớn kết trên vô số nhánh của sự phát triển của trống; gốc của nhánh dưa này vẫn ở tỉnh Vân Nam nước ta” (!) Nhưng trên thực tế, sự có mặt với số lượng lớn của trống đồng Đông Sơn nước ta đã đánh bại tư tưởng sô vanh bành trướng trong nhận định phiến diện, thiếu căn cứ khoa học trên của các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Phần II
Trống đồng Đông Sơn tồn tại trong gần một thiên niên kỷ nên về kiểu dáng có những biến đổi nhất định. Trong những năm gần đây, nhất là trong mấy năm giới khảo cổ và sử học nước ta tập trung nghiên cứu thời kỳ dựng nước của các vua Hùng, các nhà khảo cổ học đã tiến hành nghiên cứu sắp xếp, hệ thống hóa để tìm ra quy luật diễn biến của trống đồng Đông Sơn. Ngoài các bài đăng trong số 2, số 13 và 14 tạp chí Khảo cổ học chuyên đề trống đồng, đã xuất hiện một số công trình chuyên khảo về trống đồng. Đó là cuốn “ Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam” của 2 tác giả Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh xuất bản năm 197 giới thiệu 52 trống lớn và 53 trống minh khí khi phát hiện ở Việt Nam, không kể 13 trống bị thất lạc hoặc chưa xác minh được.
Năm 1987, các tác giả Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên và Trịnh Sinh trong cuốn “ Trống đồng Đông Sơn” đã giới thiệu 144 chiếc trống đồng Đông Sơn, cùng đề cập đến một số trống đồng Đông Sơn phát hiện được ở các nước Đông Nam Á. Công phu hơn cả là công trình nghiên cứu tập thể của Viện Khảo cổ học do GS Phạm Huy Thông chủ trì “ Trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam” bằng hai ngôn ngữ Anh- Việt xuất bản năm 1990, đã giới thiệu 118 trống lớn, 6 trống minh khí với đầy đủ bản vẽ và ảnh. Đây có thể coi là công trình công bố một cách đầy đủ, cập nhất về trống đồng Đông Sơn lúc bấy giờ.
Trên cơ sở nguồn tư liệu đó, nhiều vấn đề về trống đồng Đông Sơn được đề cập đến, nhất là vấn đề phân loại trống đồng.

Về kiểu dáng trống đồng Đông Sơn phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho là có 2 dạng trống đồng. Một dạng là trống thấp lùn, một dạng là trống cao gầy. Nhưng mối quan hệ giữa hai dạng kiểu dáng này thì chưa được sáng tỏ. Sự diễn biến của trống trước hết được thể hiện trên mặt trống. Loại trống sớm như Ngọc Lũ, Cổ Loa, Hoàng Hạ có mặt trống nhỏ hơn tang trống. trống càng muộn, mặt trống càng rộng ra, loại muộn nhất mặt trống tràn ra ngoài tang trống. Những loại trống sớm trên mặt trống chưa có các nhóm tượng cóc, loại trống muộn trên mặt trống có gắn tượng cóc ngồi theo chiều ngược kim đồng hồ, có loại là tượng cóc đơn, có loại là tượng cóc cõng nhau.

Đó là về kiểu dáng, còn về hoa văn trang trí trên mặt, tang và thân trống cũng có những diễn biến nhất định. Trước hết những trống sớm, hoa văn trang trí phong phú, ngoài các loại hoa văn kỹ hà như văn vòng tròn đồng tâm, vòng tròn đơn, vòng tròn kép, vòng tròn tiếp tuyến, văn răng cưa, văn răng lược, hồi văn … còn có các vành hoa văn về động vật như chim bay, chim đứng rình mồi, hưu nai chạy, bò u, cá sấu…Đặc biệt là hoa văn tả cảnh sinh hoạt của con người lúc bấy giờ như cảnh giã gạo đôi, cảnh đánh trống, đánh chiêng, cảnh trẻ em chơi trồng nụ trồng hoa, cảnh nhảy múa, cảnh đua thuyền, cảnh thuyền chiến v.v…

Những hoa văn này được khắc vẽ rất hiện thực sinh động. Những trống muộn có xu hướng giảm dần hoa văn và ngày càng cách điệu. Cảnh người hóa trang nhảy múa trông giống như cờ lau bay, không rõ hình người. và một số trống đã không còn các vành hươu, nai xuất hiện. Ngay cả vành tả cảnh sinh hoạt trên mặt trống cũng không còn, mà chỉ còn hoa văn kỹ hà cùng một vành có 4 hoặc 6 con chim bay theo chiều ngược kim đồng hồ, tang trống không còn vành thuyền chiến hoặc đua thuyền. Hoa văn kỹ hà cũng trang trí theo một quy trình chặt chẽ, trống nào đã trang trí văn răng lược thì không có văn răng cưa, hoặc trái lại đã có văn răng cưa thì không có văn răng lược; không bao giờ trang trí lẫn lộn văn răng lược và văn răng cưa với nhau.

Trên cơ sở diễn biến của kiểu dáng và hoa văn trang trí, các nhà khảo cổ học nước ta phân loại trống đồng Đông Sơn thành các loại hình có niên đại sớm muộn khác nhau. Trong đó, nhóm trống Ngọc Lũ đẹp nhất, có niên đại sớm nhất. Nhóm trống muộn nhất có kích thước nhỏ, chế tạo thô thiển, hoa văn trang trí cực kỳ đơn giản, thường chỉ có văn mặt trời. Tiêu biểu cho loại này là trống Thượng Nông, trống Đào Xá, trống Tùng Lâm.
Giữa hai nhóm trống đó là nhóm trống có kích thước tương đối nhỏ, hoa văn đơn giản chỉ còn vành hoa văn chim bay. Nhóm này có số lượng tương đối lớn, tiêu biểu là trống Định Công, trống Quảng Thắng, trống Bình Đà. Nhóm trống này có kích thước tương đối lớn. Mặt trống hơi chườm ra ngoài tang trống và có khối lượng cóc trên mặt trống, hoa văn trang trí trên mặt trống được cách điệu cao như kiểu cờ bay; tiêu biểu là trống Hữu Chung, trống Lạc Long, trống Phú Phương…
Qua các phân tích trên, chúng ta có thể thấy rõ: từ trong hàng ngàn, hàng vạn trống đồng phân bổ trên một vùng rộng lớn của Đông Nam Á, các nhà khảo cổ đã nhận biết ra được trống đồng loại 1 HeGer. Rồi trên cơ sở phân tích kiểu dáng và phong cách hoa văn trang trí cùng trang phục của các hình người trang trí trên trống đồng loại I Heger đã nhận ra sự khác biệt của trống đồng Đông Sơn khác với trống đồng loại I Heger của tộc Điền Vân Nam, Trung Quốc. Từ đó đi đến xác định trống đồng Đông Sơn là di vật tiêu biểu của người Việt cổ thời dựng nước đầu tiên của dân tộc.

Trong quá trình phát triển hàng mấy trăm năm, trống đồng Đông Sơn có diễn biến nhất định về kiểu dáng cũng như hoa văn trang trí, nhưng vẫn giữ được kiểu dáng và các loại hoa văn cơ bản. Đó chính là những đặc trưng cơ bản của truyền thống văn hóa Việt cổ mà ngày nay chúng ta vẫn còn bắt gặp trong các đường trang trí trên váy Mường, trên các nhạc cụ của người Việt v.v…
Có thể nói trống đồng Đông Sơn được nhận thức là tinh hoa của cuộc sống Đông Sơn. Nó phản ánh trí tuệ, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người Đông Sơn. Chính vì thế có thể xem trống đồng Đông Sơn là hiện vật tiêu biểu của văn minh Đông Sơn, cũng là văn minh Việt Nam thưở dựng nước.
Minh Vượng (Sưu tầm & tổng hợp)
Bản gốc: 1, 2.
Nguồn:
– Tuyển tập Hội thảo khoa học Trống đồng với văn hóa Việt Nam – Hà Nội, 2008.
– Đồ đồng văn hóa Đông Sơn, Hoàng Xuân Chính- NXB VHTT TP HCM-2012.