Các nhà nghiên cứu nhân chủng học và tiền sử học tranh luận về nguồn gốc của các dân tộc Đông Nam Á từ hơn một thế kỷ, thường không có sự đồng thuận về tầm quan trọng tương đối của việc di cư kế tiếp đến từ các nguồn bên ngoài so với tính liên tục bản địa theo thời gian.

Các phân tích DNA toàn bộ hệ gen cổ đại từ các bộ xương khảo cổ mang đến một cái nhìn mới về cuộc tranh luận này (1, 2). Trên trang 88 và 92 tương ứng, của số ra này (Tạp chí Science), McColl và cs. (3) và Lipson và cs. (4) sử dụng việc giải trình tự toàn bộ hệ gen của 43 bộ xương cổ Đông Nam Á do các nhà khảo cổ khai quật được để lý giải việc khu vực này 10.000 năm trước đã hình thành cư dân như thế nào. Cả 2 nhóm nghiên cứu chỉ ra sự di cư của con người có ý nghĩa lớn, đặc biệt là sự di cư vào thời kỳ đồ đá mới giữa thế Holocene của các quần thể nông dân vào khoảng 5000 đến 4000 năm trước đây, từ miền nam Trung Quốc (Lưu ý: Nam Trung Quốc, từ phía Nam Trường Giang đến Bắc Việt Nam vào thời kỳ này là lãnh thổ của các cư dân Bách Việt: Chú thích của người dịch) đến Đông Nam Á cả lục địa và hải đảo.

Trước khi có kết quả giải trình tự DNA cổ đại, các nhà khảo cổ học, ngôn ngữ học và sinh học có xu hướng phân cực trong việc lý giải lịch sử người ở Đông Nam Á 10.000 năm qua. Một quan điểm xem nhẹ tầm quan trọng của bất kỳ sự di cư nào vào thời kỳ đồ đá mới, đặc biệt là đối với các đảo Đông Nam Á, và nhấn mạnh tính liên tục về di truyền của khu vực từ thế Pleistocene (2.6 triệu đến 11.700 năm trước). Về vấn đề này, một nhóm thiểu số những người săn bắn hái lượm truyền thống ở Malaysia, Philippines và Quần đảo Andaman, còn gọi là người “da đen nhỏ” (“negritos”) nhìn chung được nhất trí là còn giữ được mối quan hệ sinh học gần gũi với người Úc bản địa và người Papua New Guinea, do đó phản ánh tổ tiên tại chỗ vào thế Pleistocene. Quan điểm đối lập, ủng hộ tầm quan trọng của việc di cư kế tiếp, hơn là sự liên tục có tính phổ quát từ thế Pleistocene, cho rằng hầu hết người Đông Nam Á hiện đại có nguồn gốc từ những người làm nông nghiệp từ thời kỳ đồ đá mới giữa thế Holocene, có liên quan đến người Đông Á hiện đại ở phía bắc (5-7).

Nhiều bằng chứng khảo cổ học và về các bộ xương, bao gồm các phân tích thống kê cẩn thận các số đo sọ và mặt, gần đây đã ủng hộ cho quan điểm “hai lớp” này (8). Hiện nay, ý kiến của đa số cho rằng quần thể gốc người săn bắn hái lượm vào thế Pleistocene, hậu duệ của Homo sapiens hơn 50.000 năm trước, đã đến cư ngụ tại Đông Nam Á, Úc và New Guinea.

Vào thời kỳ đồ đá mới ở Đông Nam Á, bắt đầu từ 5000 đến 4500 năm trước, đã có sự mở rộng (địa bàn cư trú) của những người nông dân Châu Á có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc. Cuộc di cư thời kỳ đồ đá mới này đã tiến về phía Nam vào lục địa Đông Nam Á và Indonesia, và từ sau 3000 năm trước đây, tiến về phía Đông tới các vùng Micronesia và Polynesia thuộc Châu Đại Dương (9, 10). Các cuộc di cư vào thời kỳ đồ đá mới thường chấm dứt ở miền Đông Indonesia trước khi đến được Australia và nội địa New Guinea. Các nghiên cứu của McColl và cs. và Lipson và cs. hoàn toàn ủng hộ quan điểm hai lớp này và bổ sung thêm nhiều chi tiết.

Ví dụ, hệ gen DNA cổ đại từ quần thể săn bắn hái lượm ban đầu của lục địa Đông Nam Á, mà các nhà khảo cổ học gọi là Người Hòa Bình đã được McColl và cs. thu mẫu, cho thấy giống nhất với hệ gen của những người thuộc nhóm Onge negritos hiện đại của Quần đảo Andaman và giống với người Jo¯mon [thế Holocene sớm- và giữa (~ 12.000 đến 2500 năm trước), là người Nhật Bản cổ, cư dân của Nhật Bản. Những Người Hòa Bình về mặt hệ gen không có quan hệ mấy gần gũi với người Úc và Papua hiện đại, không nghi ngờ phản ánh khoảng cách giữa lục địa Đông Nam Á và Australia và nhiều rào cản về đường thủy ngăn cách đi về phía đông Indonesia, vượt lục địa băng hà Sundaland kéo dài về phía đông đến Borneo và Bali.

Sự di chuyển của các quần thể thời kỳ đồ đá mới từ miền Nam Trung Quốc đã được bắt đầu qua hai cuộc di cư riêng biệt. Một là, tổ tiên của những người nói tiếng Tày-Thái (Tai) hiện đại, và có lẽ cả những người sử dụng ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic), nhóm này bao gồm người Khmer và Việt, lan tỏa bằng đường bộ đi vào lục địa Đông Nam Á. Cùng với cuộc di cư này, lúa gạo, kê được phát tán, lợn và chó đã được thuần hóa (11). Đợt di cư khác, tổ tiên của người nói tiếng Nam Đảo (Austronesian) như người Malay và người Hawai, lan ra bằng đường biển tới Đài Loan, sau đó là Philippines và tiếp tục tới Indonesia và Châu Đại Dương, một lần nữa mang theo một phần văn hóa sản xuất thực phẩm. Lipson và cs. chỉ ra rằng những Người Hòa Bình và các quần thể thời kỳ đồ đá mới đã có một số pha trộn hệ gen trước khi các người di cư thời kỳ đồ đá mới lan tỏa rộng ra từ miền Nam Trung Quốc. Hơn nữa, ở khu vực khảo cổ Mán Bạc, miền Bắc Việt Nam (được Lipson và cs. phân tích) đã tìm thấy các bộ xương của cả hai quần thể chôn cùng nhau vào khoảng 1800 năm TCN (12). Tuy nhiên, quần thể thời kỳ đồ đá mới Châu Á dường như phổ biến nhất trong số các bộ xương tại Mán Bạc.

Hai quan sát quan trọng khác có thể được ghi nhận từ những nghiên cứu này. Các quần thể Đông Nam Á lục địa như người Thái và Người Kinh Việt Nam, có lẽ không ngạc nhiên, đã tiếp nhận một lớp dòng chảy gen khá mạnh từ Trung Quốc khoảng 2500 năm trước. Đó là thời kỳ Chiến Quốc, tiếp sau đó là Nhà Tần và Nhà Tây Hán (từ năm 206 TCN cho tới năm 220 SCN) khi các đế chế Trung Quốc chinh phục miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam, áp đặt sự định cư của người Trung Quốc (Hán), ngôn ngữ và chữ viết đối với nhiều người bản địa của xã hội Đồ Đồng và Đồ Sắt ở phía Nam.

Ngoài ra, cả hai nghiên cứu đều cho rằng các quần thể người nói tiếng Nam Á (Austroasiatic) đã thực hiện cuộc “thuộc địa hóa thời kỳ đồ đá mới” miền Tây Indonesia trước khi tổ tiên của những cư dân nói tiếng Nam Đảo hiện nay đến cư trú tại khu vực này. Có một số bằng chứng yếu về khảo cổ học và ngôn ngữ học cho việc thuộc địa hóa này tại Sumatra, Java và Borneo (13, 14) và gợi ý trong DNA của một số người miền Tây Indonesia (15). Tuy nhiên, thời gian và nguồn gốc chính xác của sự di chuyển này vẫn chưa được rõ ràng, do không có mẫu DNA thời kỳ đồ đá mới lớn hơn, cả từ miền Tây Indonesia và từ phía Nam lục địa Đông Nam Á. Không có người nói tiếng Nam Á tại Indonesia ngày nay và vẫn chưa có kết nối có tính xác định về khảo cổ thời kỳ đồ đá mới giữa miền Tây Indonesia và Việt Nam hay Bán đảo Mã Lai.

Một vấn đề tạm thời liên quan đến hai nghiên cứu này là số lượng mẫu DNA cổ đại hiện nay rất nhỏ và hạn chế về phạm vi địa lý. Mẫu DNA cổ đại rất hiếm ở vùng nhiệt đới ẩm (mặc dù tình trạng này đang được cải thiện) và hiện tại cũng khó tiếp cận từ Trung Quốc. Không có báo cáo nghiên cứu nào về DNA cổ đại từ miền Nam Trung Quốc, bao gồm đảo Hải Nam, nhưng điều này có lẽ rất quan trọng nếu chúng ta muốn thực sự hiểu biết về sự lan tỏa đầy kịch tính ở thời kỳ đồ đá mới đến Châu Đại Dương khoảng 3500 năm trước, cuối cùng là đến các đảo Polynesia. Cũng không có DNA cổ đại từ Đài Loan và chưa có thời hạn xác định của thời kỳ đồ đá mới từ các đảo Đông Nam Á. Chúng ta còn phải đi con đường dài, nhưng phân tích DNA cổ đại mở ra một tương lai thú vị cho sự hiểu biết của chúng ta về quá khứ của con người.

PETER BELLWOOLD
Giáo sư Danh dự Trường (Khoa) Khảo cổ học và Nhân chủng học
Đại học Quốc gia Australia
PGS Nông Văn Hải chuyển ngữ
Nghiên cứu gốc

Share.