Truyền thuyết Tiên Rồng của người Việt được ghi lại đầu tiên trong sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, sau được chép vào chính sử bởi Ngô Sĩ Liên trong cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Trong câu chuyện truyền thuyết của dân tộc ấy, nếu chúng ta chỉ đọc bằng con mắt trần tục và thiếu nền tảng khoa học lịch sử, sẽ chỉ thấy rằng đó là một câu chuyện đầy rẫy yêu ma quỷ quái loạn luân… Tôi đã gặp không ít người có cảm tưởng như thế. Nhưng, truyền thuyết là một màng sương mờ, nó hư hư thực thực, trong cái ảo ảnh khó tin, lại ẩn sau đó một cốt lõi lịch sử. Truyền thuyết Tiên Rồng của người Việt cũng như thế, phía sau nó là một giai đoạn lịch sử phát triển mạnh mẽ của người Việt, một bản sử được phủ lên những chi tiết huyền hoặc, khó tin.

Điều cần nói tới đầu tiên, là mọi người thường mặc định rằng không gian văn hóa Việt Nam chỉ gói gọn trong miền Bắc Việt Nam, nhưng bản thân việc bó hẹp không gian như thế đã rất mâu thuẫn với truyền thuyết, với ca dao, bởi truyền thuyết thì lại ghi rằng cội nguồn của người Việt ở Hồ Động Đình, đó là một hồ nằm ở vùng Hồ Bắc – Hồ Nam của Trung Quốc ngày nay, hay núi Thái Sơn nằm ở tỉnh Sơn Đông, sông Tiền Đường nằm ở hạ lưu Dương Tử được ghi lại trong các câu ca dao của người Việt:

Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh
Tiết trời thu lạnh lành lanh
Cỏ cây khóc hạ hoa cành thương đông
Bống bồng bông bống bồng bông
Võng đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên

Nếu bó hẹp không gian của người Việt khỏi vùng đất Tổ Động Đình, khỏi vùng Hoa Nam, cho rằng chúng ta không liên quan gì tới họ, thì những dấu tích quan trọng kia bỗng nhiên trở nên rất kỳ lạ, và không thể giải thích!

Chính vì đó, mà nhiều người rơi vào một vòng luẩn quẩn, dần dần dẫn đến sự bài trừ truyền thuyết của người Việt, cho đó là huyền hoặc, không đáng tin. Nhưng kỳ thực, đó chính là bản sử thi được ghi lại bằng truyền thuyết, là câu chuyện được các bô lão, những người đứng đầu làng Việt xưa, truyền lại cho con cháu, cho các thế hệ, âm thầm như thế trong thời Bắc thuộc, để con dân đất Việt không quên đi cội nguồn của mình. Tới thời Trần, thì Trần Thế Pháp đã thu thập, hiệu chỉnh lại những truyền thuyết được truyền lại như thế trong dân gian, tập hợp lại thành tập Lĩnh Nam Chích Quái.

Cội nguồn của truyền thuyết là một sợi chỉ xuyên suốt, và một điều hết sức quan trọng để chúng ta hiểu được truyền thuyết của dân tộc mình: không gian hoạt động của người Việt không bao giờ bó hẹp trong vùng miền Bắc Việt Nam, mà họ di cư liên tục lên xuống trong không gian miền Nam Dương Tử ngày nay, đó chính là vùng đất của người Bách Việt mà cổ sử Trung Hoa đã ghi lại, các nghiên cứu gen cũng xác nhận về một chủng tộc thống nhất trong các dân tộc được cho rằng có nguồn gốc Bách Việt ngày nay như người Việt, Mường, Hoa Nam, Thái, Tày, Nùng… Họ cũng được khoa văn hóa xác nhận rằng cùng một nền văn hóa, với những đặc điểm cơ bản như nhuộm răng, xâm mình, sử dụng nhà sàn, cuộc sống gắn với nông nghiệp lúa nước… Đó là đoạn sau của huyền sử Việt, tôi nghĩ cần phải nói qua một chút, để mọi người dễ hình dung hơn. Đoạn trước, thì nó cũng có một tiền đề: nó không diễn ra ở miền Bắc Việt Nam, mặc dầu miền Bắc Việt Nam là cội nguồn đầu tiên của người Việt. Những người di cư từ châu Phi tới Đông Nam Á và Việt Nam, là Tổ Tiên của những người di cư lên phía Bắc, các công trình nghiên cứu gen của nhóm Gs. J. Y. Chu hay nghiên cứu của Vinmec đều xác nhận rằng người Đông Nam Á di cư từ Nam lên phía Bắc. Họ từ Việt Nam di cư lên do nạn biển tiến, sinh sống ở vùng Động Đình, Dương Tử, một nhóm khác di cư lên Hoa Bắc, hai nhóm này là hai nhóm lớn, chính là quốc gia của Thần Nông và hậu duệ của ngài là Đế Minh.

Huyền sử của người Việt bắt đầu từ điểm đó, với có thể là một quốc gia thống nhất giữa hai nhóm ở Hoa Bắc và Hoa Nam, đều là con cháu của Thần Nông, sau được phân chia thành hai quốc gia, một Bắc, một Nam, theo sự phân chia của Đế Minh, tương ứng với hai nhóm người cổ Đông Nam Á di cư lên. Tại hồ Động Đình, là nơi địa bàn chính của nước Xích Quỷ và của người Việt phương Nam, thì Kinh Dương Vương cưới Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân. Sau đó, Đế Lai chu du phương Nam, cùng với Âu Cơ, điều này tượng trưng cho sự di cư xuống phương Nam hòa hợp với người Việt tại vùng Động Đình, Dương Tử, với Lạc Long Quân đại diện cho nhóm Việt phụ hệ phương Nam, Âu Cơ tượng trưng cho nhóm Việt mẫu hệ phương Bắc, hai nhóm gặp nhau, chung đụng đã có mâu thuẫn, với những phiền nhiễu, nhưng sau cũng thành công với sự nên duyên vợ chồng của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng, đó không phải là một hình tượng theo nghĩa đen, mà mang trong mình tính triết lý: Bọc trăm trứng là biểu trưng cho triết lý âm dương của người Việt, Tiên là âm, Rồng là dương, sinh ra bọc trứng vô cực, sinh âm, sinh dương rồi sinh muôn dân. Tức người dân Việt đều thấm nhuần nguyên lý âm dương và ý thức về một cội nguồn chung, một chủng tộc chung, một văn hoá chung. Còn việc chia ly thì có ý nghĩa như thế nào: đó có thể là biểu trưng cho sự nam tiến của các nhánh Việt về phía Nam (các vùng Hoa Nam và Việt Nam), cánh đồng Tương là nơi các nhánh bị chia lìa có thể tụ họp lại với nhau, mỗi năm một lần. Sự kiện này diễn ra vào khoảng hơn 4000 năm trước, đó là khi các cư dân Việt rời bỏ vùng Động Đình, Dương Tử di cư phần lớn về phía Nam, trùng khớp với nghiên cứu gen chứng minh sự di cư của người Việt cổ về phía Nam.

Truyền thuyết của người Việt tưởng như huyền hoặc, không đáng tin, nhưng tìm hiểu bằng con đường khoa học, tôi nhận thấy được cốt lõi sự thật của huyền sử dân tộc, mà việc gói gọn không gian văn hóa Việt ở miền Bắc Việt Nam đã từng không cho chúng ta nhận thấy được. Phóng tầm mắt của mình một cách tự do, chúng ta sẽ nhận thấy rất nhiều điều kỳ diệu trong cổ sử, cổ văn hóa của dân tộc mình, sẽ yêu, trân trọng hơn huyền sử của dân tộc, vì nó chính là cốt lõi, là sức sống của dân tộc Việt qua hàng ngàn năm lịch sử, để chúng ta vẫn mãi mãi tự hào rằng mình là con Rồng cháu Tiên.

Lang Linh
Tranh minh họa: Xuân Quyển.
Share.