Trong những năm gần đây, báo chí và các trang thông tin Việt Nam thường xuyên đăng tải và tuyên bố rằng họ đã tìm thấy người Việt cổ tại Indonesia, các bài báo được đăng trên các trang mạng thường cho rằng các tộc người Indonesia như người Minangkabau, người Dayak, người Toraja, người Batak Toba là những “tộc người Việt cổ” [1], nếu thử tìm bằng các từ khóa liên quan tới người Việt cổ, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những thông tin về hậu duệ người Việt cổ tại Indonesia, với tần suất xuất hiện rất dày. Điều này cho thấy quan điểm cho rằng các tộc người này là người Việt có độ phổ biến rất cao, được nhiều người Việt biết tới, gây ra những ngộ nhận không nhỏ về nguồn gốc dân tộc.

Truy nguyên về nguồn gốc giả thuyết này, chúng tôi nhận thấy nó có thể bắt nguồn từ Trương Thái Du vào năm 2005, với thông tin được đề xuất trên trang BBC, với bài viết “Tiếng trống đồng Mê Linh”, tác giả này đề xuất rằng: sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thì một bộ phận người Việt đã lên thuyền ra khơi và dạt vào eo biển Malacca nhờ gió mùa Đông Bắc. [2]

Trương Thái Du còn đưa ra giả thuyết rằng từ Luak chỉ lãnh thổ chung của người Minangkabau khá giống với chữ Lạc, “người đứng đầu vùng tự trị cũng là nam giới, do các trưởng thị tộc bầu lên gọi là Luak Undang”, hay “người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc gọi là Turun Cicik, các em gái bà này nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi. Ngữ âm này, sau biết bao biến đổi qua thời gian, đọc lên vẫn thấy mơ hồ hai cái tên Trưng Trắc, Trưng Nhị.”.

Từ đây, báo chí Việt Nam thường xuyên đăng lại các bài viết về người Minangkabau, cho rằng họ là người Việt cổ, với tất cả các thông tin đều dựa trên giả thuyết được Trương Thái Du đề xuất trên tờ BBC tiếng Việt. Và báo chí cũng mở rộng hơn, đi tìm kiếm “nguồn gốc người Việt cổ” từ các bộ lạc tại Indonesia, càng ngày, càng xuất hiện nhiều tộc người được cho là “người Việt cổ” hơn.

Những giải thích và kết nối tiếng Việt và tiếng Minangkabau của Trương Thái Du, nếu nghe qua chúng ta sẽ cảm thấy nó rất “hợp lý”, nhưng sự hợp lý và sự chính xác, khoa học gần như là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, có nhiều giả thuyết nghe rất thuận tai, khiến người nghe cảm thấy hợp lý, giải đáp được nhiều khúc mắc của họ khi tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc, nhưng nếu xét về tính khoa học và chính xác, thì thường các giả thuyết đó không có cơ sở là sự thật. Giả thuyết của Trương Thái Du cũng như vậy, chủ yếu dựa trên sự suy diễn chủ quan không có cơ sở khoa học chứng minh.

Bên cạnh người Minangkabau, thì nhiều dân tộc khác như Dayak, được đề xuất là người Việt cổ vì có một số phong tục giống với người Việt cổ. Hay các tộc người Toraja, Batak Toba là người Việt cổ vì họ có mái nhà cong tương tự như trên trống đồng Đông Sơn. Tựu chung, thì những giả thuyết cho rằng các tộc người này là người Việt cổ có cơ sở hỗ trợ rất yếu, hầu như những bằng chứng được sử dụng đều không có cơ sở để chứng minh về nguồn gốc dân tộc, chỉ là sự tương đồng có thể kết nối người Việt với rất nhiều dân tộc trong vùng Đông Á và Đông Nam Á. Và các giả thuyết cũng chưa được kiểm chứng bởi các nghiên cứu khoa học, vậy nên việc vội vàng nhận định và tuyên bố đây là người Việt cổ rất nguy hại đối với nhận thức về nguồn gốc dân tộc.

Chúng tôi sẽ thử tìm hiểu về nguồn gốc của các tộc người này, xem xét các yếu tố về nguồn gốc ngôn ngữ, di truyền, văn hóa của các dân tộc này thông qua các nghiên cứu khoa học, so sánh với người Việt, để làm rõ về giả thuyết cho rằng đây là người Việt cổ, xác định sự liên hệ của các tộc người này với người Việt, từ đó loại bỏ những lớp mây mù phủ lên vấn đề nguồn gốc người Việt mà các giả thuyết này đã tạo nên.

1. Nguồn gốc của các tộc người được cho là Việt cổ:

a. Nguồn gốc ngôn ngữ:

Tất cả các tộc người được cho là người Việt cổ: Minangkabau, Dayak, Toraja, Batak Toba đều thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian), đây là ngôn ngữ chính của hầu hết các dân tộc trong vùng Đông Nam Á hải đảo. Theo các nghiên cứu di truyền, thì người Nam Đảo bắt nguồn từ vùng bắc Đông Á, di cư xuống Dương Tử khoảng 6000 năm trước, sang Đài Loan khoảng 5000 năm trước và xuống vùng đảo Đông Nam Á [3][4].

Migraciones_austronesias

Nguồn gốc, các hướng di cư và phân tán của ngữ hệ Nam Đảo. [5]

Từ đây chúng ta sẽ thấy được một số nét tương đồng của người Nam Đảo với người Việt có nguồn gốc từ việc hệ ngữ Nam Đảo có nguồn gốc từ Đông Á cổ, họ cũng đã từng chung sống với người Việt trong cộng đồng chung ở vùng Dương Tử trước khi xuống vùng đảo, nhưng sự tương đồng đó không liên hệ nhiều tới các yếu tố để được xem như là người Việt cổ mà các giả thuyết đã đề xuất.

Về ngôn ngữ, tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á [6], không liên quan tới các ngôn ngữ Nam Đảo, văn hóa Đông Sơn cũng có ngôn ngữ là Nam Á [7]. Ngữ hệ Nam Á có nguồn gốc phát triển độc lập với ngữ hệ Nam Đảo, có nguồn gốc từ vùng trung lưu Dương Tử [8]. Vùng đảo Đông Nam Á trong xuyên suốt lịch sử, hầu như không thấy có sự xuất hiện của ngữ hệ Nam Á, mà chỉ có ngữ hệ Nam Đảo tới sau và người Negrito da đen tới trước định cư, người Nam Đảo đã có sự hòa huyết với tỉ lệ cao người Negrito trong vùng này khi di cư xuống từ Đài Loan, vậy nên, không có bất cứ cơ sở nào cho thấy một cuộc di cư về vùng đảo Đông Nam Á từ vùng miền Bắc Việt Nam sau khi văn hóa Đông Sơn sụp đổ, và sự kiện tiếp theo đó khi quốc gia của Hai Bà Trưng bị xóa sổ mà Trương Thái Du đã kết nối với người Minangkabau.

b. Sự khác biệt di truyền:

Nghiên cứu di truyền của Liu et al. 2019 [9] đã thực hiện nghiên cứu và so sánh giữa nhiều hệ ngữ, kết quả nghiên cứu cho thấy người Nam Đảo (thanh language: màu nâu) có khác biệt di truyền rất lớn với người Việt. Màu đen là gen đặc trưng của người Nam Đảo, màu xanh lá là gen của Tai-Kadai, chị em của ngữ hệ Nam Đảo, có thể thấy các gen này chiếm đa số trong di truyền người Nam Đảo.

Nghiên cứu của Liu et al. 2019 cho thấy khoảng cách di truyền của người Việt và người Nam Đảo. [9]

Xét về nhân diện, thì các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Đảo được cho là người Việt cổ cũng có nhân dạng rất khác so với người Việt.

Nhân diện các tộc người được cho là người Việt cổ: Batak, Minangkabau, Toraja, Dayak.

c. Chế độ xã hội của người Minangkabau:

Về chế độ xã hội, thì người Minangkabau, tộc người được cho là hậu duệ của Hai Bà Trưng, là tộc người theo chế độ mẫu hệ. Người Nam Đảo có chế độ mẫu hệ từ khi còn trong vùng bắc Đông Á, duy trì qua hàng nghìn năm, tới hiện tại vẫn còn nhiều tộc người theo chế độ mẫu hệ, người Minangkabau chính là tộc người theo chế độ mẫu hệ lớn nhất thế giới [11]. Chi tiết này cho thấy người Việt không thể có liên hệ với họ, bởi người Việt đã theo chế độ phụ hệ từ ít nhất 6000 năm trước tại vùng trung lưu Dương Tử, văn hóa Lương Chử cũng theo chế độ phụ hệ, tới thời Đông Sơn, thì vẫn tiếp tục duy trì chế độ phụ hệ, [12], nên người Việt thời Hai Bà Trưng không theo mẫu hệ, và người Việt ngày nay vẫn tiếp tục duy trì chế độ phụ hệ.

d. Kết luận:

Người Nam Đảo dựa trên các nghiên cứu di truyền, ngôn ngữ, xã hội đều cho thấy họ có sự khác biệt rất lớn với người Việt. Sự khác biệt chế độ xã hội, ngôn ngữ đó đã cho thấy các dân tộc này không thể là người Việt cổ, bởi một dân tộc không dễ dàng thay đổi chế độ xã hội, ngôn ngữ của mình một cách hoàn toàn khi di cư tới vùng khác, chưa kể, các vùng đảo Đông Nam Á nhìn chung khá thưa thớt dân cư, không có sự cai trị và đồng hóa tuyệt đối bởi một dân tộc, nên nếu thực sự có cuộc di cư nào của người Việt xuống vùng này, thì hiện tại chúng ta sẽ thấy những tộc người hiện vẫn nói ngôn ngữ Nam Á và giữ được trọn vẹn văn hóa Việt cổ sinh sống trong vùng này. Các dân tộc được xem là người Việt cổ trên không đáp ứng được các tiêu chí đó, ngôn ngữ khác, chế độ xã hội khác và văn hóa cũng nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, hoàn toàn không đủ cơ sở để cho rằng các tộc người Nam Đảo có nguồn gốc từ người Việt, là người Việt cổ.

2. Phong tục của các dân tộc tại Indonesia:

Phong tục của người Việt, tộc Việt so với các dân tộc Nam Đảo ngày nay, có rất nhiều điểm khác biệt. Một số tộc người được cho là người Việt cổ có những phong tục có thể nói là man rợ, đây là những phong tục mà một dân tộc đã đạt tới trình độ văn minh cao như tộc Việt và người Việt không có trong suốt tiến trình hình thành và phát triển của họ.

a. Người Dayak:

Phong tục săn đầu người của người Dayak

Người Dayak được cho là tộc người giống người Việt cổ nhất, nhưng họ có nguồn gốc ngôn ngữ, dân tộc hoàn toàn khác với người Việt. Xét về phong tục, họ có những phong tục mà người Việt chưa bao giờ có, trong đó tiêu biểu nhất chính là tục săn đầu người.

Người Dayak xưa có tục săn đầu người giữa các bộ tộc, đó là cách để khẳng định sức mạnh của những chiến binh và bộ tộc với nhau. Những thanh niên trước khi trở thành một chiến binh phải trải qua nghi lễ xăm mình tại ngôi nhà truyền thống, sau đó họ sẽ được đi săn. Đây là phong tục truyền thống quan trọng bậc nhất trong xã hội của người Dayak. [13]

Tục săn đầu người của người Dayak. [Nguồn]

Một số dân tộc tại Tây Nguyên cũng có tục săn đầu người, tuy nhiên, người Nam Đảo đã đem phong tục này vào vùng Đông Nam Á lục địa, đồng hóa một số dân tộc Nam Á sang nói hệ ngữ Nam Đảo, về di truyền, thì các dân tộc nói tiếng Nam Đảo trong vùng Đông Nam Á lục địa ngày nay có nguồn gốc từ người Nam Á [9], di cư vào Đông Nam Á lục địa vào khoảng 4000 năm trước theo các nghiên cứu di truyền. [14][15]

– Nghi thức tắm đầu lâu – Nyobeng

Người Dayak còn xem tục rửa sọ người là một phong tục quan trọng của dân tộc họ. Hộp sọ của kẻ thù sau cuộc chiến được người Dayak mang về nhà và đặt ở vị trí trang trọng. Hàng năm, người Dayak mang hộp sọ của kẻ thù ra để thực hiện nghi lễ Nyobeng, theo đó, hộp sọ của kẻ thù được mang ra tắm và làm sạch bụi bẩn. Bộ lạc Dayak tin rằng hộp sọ khô của con người ẩn chứa sức mạnh ma thuật, sức mạnh bí ẩn này giúp cho mùa màng bội thu và xua đuổi tà ma. [16]

Tục rửa sọ người của người Dayak. [16]

b. Người Toraja:

– Tục sống chung với người chết của người Toraja:

Tộc người Toraja có phong tục ướp xác những người đã chết và chăm sóc những thi thể được bảo quản này một cách kĩ lưỡng như thể họ vẫn còn sống. Đối với cả bộ tộc, một thi thể được bảo quản và chăm sóc tốt sẽ mang lại nhiều may mắn và hạnh phúc, bởi vậy các gia đình luôn cố gắng hết sức để đảm bảo rằng cơ thể những người đã chết vẫn tồn tại dưới hình dạng đẹp nhất có thể. [17]

Tục sống chung với những thi thể của người Dayak. [17]

c. Nhận xét:

Với cảm quan của một người bình thường, cũng có thể thấy đây là những phong tục man rợ. Nếu lùi xa hơn không gian về thời cổ đại, thì những phong tục này cũng được xem là những phong tục của người dã man, hầu như không dân tộc nào có trình độ văn minh lại có những phong tục tương tự như vậy trong văn hóa của mình. Đây là biểu hiện trực tiếp cho trình độ văn minh về nhận thức của một dân tộc. Người Việt đã phát triển tới trình độ văn minh cao, những phong tục này hoàn toàn không xuất hiện trong văn hóa Việt trong xuyên suốt lịch sử tồn tại của họ, vậy nên, nếu chúng ta xét về văn hóa, thì sự tương đồng là có, nhưng sự khác biệt cũng là rất lớn. Nếu chúng ta tuyên bố các tộc người này là tộc người Việt cổ, là đang vô tình đang nói rằng tổ tiên của chúng ta từng giống như họ, cũng có những phong tục kỳ dị và đáng sợ như vậy, nếu nói một cách thẳng thắn, đó là một sự xúc phạm đối với tổ tiên, với danh dự của dân tộc mình.

3. Sự tương đồng văn hóa:

a. Tại sao các tộc người tại Indonesia lại có những ngôi nhà cong?

Tại sao người Indonesia lại có những ngôi nhà cong? Câu trả lời tới từ sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn. Văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam, trong thời gian tồn tại, thì văn hóa Đông Sơn đã có những ảnh hưởng rất rộng lớn [18], trong đó bao gồm cả người Nam Đảo. Vùng đảo Đông Nam Á trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn tồn tại, họ chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Đông Sơn. Họ đưa trống đồng trực tiếp từ Việt Nam về, có sự giao lưu khá thường xuyên với người Việt, với ví dụ tiêu biểu nhất là họ đã tới Việt Nam để đem giống lợn về theo nghiên cứu di truyền của loài lợn [19], hay họ đem giống lúa trực tiếp từ Việt Nam về để phát triển nông nghiệp tại vùng đảo Đông Nam Á. [20]. Kiến trúc cũng như vậy, kiến trúc của văn hóa Đông Sơn cũng theo những chuyến hải hành của người Nam Đảo tới miền Bắc Việt Nam, phong cách mái nhà cong Đông Sơn được họ đưa lên những mái nhà của dân tộc mình, và được một số dân tộc duy trì cho tới ngày nay.

Kiến trúc trên trống đồng Đông Sơn. [21]

Vậy nên, chúng ta có thể kết luận rằng người Nam Đảo đã tiếp nhận phong cách mái nhà cong của người Việt, áp dụng vào kiến trúc của họ, với những biến đổi theo xu hướng bộ lạc hóa, với những căn nhà mái cong nhưng diện tích rất nhỏ. Sự tương đồng có nguồn gốc từ sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, không phải do người Việt cổ mang theo văn hóa của mình xuống vùng này.

Kiến trúc của các dân tộc: Batak Toba, Toraja, Minangkabau.

b. Tại sao lại có sự tương đồng trong phong tục của người Việt và người Nam Đảo?

Câu chuyện bắt nguồn từ việc người Nam Đảo cũng có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ đại, và cũng từng chung sống với tộc Việt thuộc hệ ngữ Nam Á trong khoảng thời gian ngắn, nên về phong tục, người Việt và người Nam Đảo nói chung có khá nhiều sự tương đồng, sự tương đồng không chỉ có ở người Việt, mà còn có thể thấy được ở khắp các dân tộc trong vùng phía nam sông Dương Tử tới các vùng Đông Nam Á lục địa, ở các hệ ngữ Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai, Hmong-Mien, bởi ít nhiều, các dân tộc trong vùng này đều có một nguồn gốc gần gũi, tách ra từ nhiều giai đoạn trong quá khứ, và xa hơn, tất cả đều có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ, nên nhiều nét văn hóa cổ tương đồng giữa các dân tộc đã có từ khoảng 6000-7000 năm trước. [22]

Sự tương đồng tiếp tục rõ nét hơn, khi văn hóa Đông Sơn đã tỏa sáng rực rỡ, tạo nên những ảnh hưởng tới vùng Đông Nam Á hải đảo, thời kỳ trước những ảnh hưởng của Ấn Độ, thì vùng Đông Nam Á hải đảo chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn [18], nên xét về kiến trúc, trang phục, hoa văn, hay một số nét văn hóa, có thể thấy được sự tương đồng giữa các tộc người Nam Đảo và văn hóa Đông Sơn. Sự tương đồng này hoàn toàn không có ý nghĩa về nguồn gốc dân tộc, mà đơn thuần là một sự ảnh hưởng văn hóa.

Vì vậy, những dấu ấn văn hóa Đông Sơn của người Nam Đảo có nguồn gốc từ sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn trong thời gian nó tồn tại, không phải bởi các dân tộc Nam Đảo có nguồn gốc từ người Việt cổ mà những đặc trưng văn hóa của văn hóa này xuất hiện tại đây.

4. Kết luận:

Như vậy, dựa trên các nghiên cứu di truyền, ngôn ngữ, văn hóa, chúng ta đã thấy được các dân tộc Nam Đảo được báo chí Việt Nam nhắc tới hoàn toàn không phải người Việt cổ, họ là những tộc người có di truyền, ngôn ngữ, chế độ xã hội và văn hóa hoàn toàn khác với người Việt. Sự tương đồng trong một số yếu tố như kiến trúc, phong tục, hoa văn có nguồn gốc từ sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn.

Vì vậy, báo chí và các trang thông tin Việt Nam nên dừng việc tuyên truyền các thông tin cho rằng các tộc người tại Indonesia là người Việt cổ, điều này sẽ gây nguy hại rất lớn đối với vấn đề nguồn gốc dân tộc, gây ra những hiểu nhầm không đáng có về nguồn gốc dân tộc.

Chúng tôi cho rằng những giả thuyết như thế này có không gian tồn tại, được tuyên truyền rộng rãi mà hầu như không có sự xác minh một cách khoa học và chính xác, có nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết sâu sắc về nguồn gốc dân tộc của người Việt nói chung, rất ít người thực sự biết nguồn gốc dân tộc mình từ đâu, trình độ phát triển của dân tộc mình là như thế nào, bên cạnh đó, những giả thuyết sai lệch về nguồn gốc dân tộc đã tạo ra những ảnh hưởng trong thời gian dài cũng góp phần khiến cho những giả thuyết không chính xác như thế này được nhiều người Việt tin tưởng và cho đó là cội nguồn của dân tộc.

Cũng đã tới lúc, chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc thông qua các phương tiện khoa học, với một cách tiếp cận khách quan và cẩn trọng, tránh sự cảm tính, tìm hiểu dựa trên yếu tố “hợp lý” để đánh giá sự đúng sai của một giả thuyết, các quan điểm, giả thuyết nếu chỉ “hợp lý” mà không có sự kiểm chứng sẽ dễ khiến chúng ta lạc lối trong con đường tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc, nhận diện sai cội nguồn của dân tộc mình. Có hướng tới một con đường khoa học, khách quan và trung thực, chúng ta mới có thể hy vọng tìm được nguồn gốc thực sự của dân tộc mình, để người Việt biết dân tộc mình là ai, từ đâu tới, từ đó trân trọng cội nguồn của dân tộc mình hơn, ý thức hơn về giá trị của dân tộc Việt, từ đó xây dựng lòng tự tôn, tự trọng dân tộc, có động lực để làm nên những điều lớn lao, đó sẽ là những hành trang vô cùng quan trọng trên con đường hướng tới tương lai của dân tộc Việt.

Sưu tầm: Suviet.co

Tài liệu tham khảo:

[1] T.B. Những tộc người ‘Việt cổ’ nổi tiếng ở Indonesia.
https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/vietnamdaily-relax/nhung-toc-nguoi-viet-co-noi-tieng-o-indonesia-101651.html#p-1

[2] Trương Thái Du (2005), Tiếng trống đồng Mê Linh.
https://www.bbc.com/vietnamese/science/story/2005/04/050406_truongthaidu

[3] Sun, Jin & Li, Yingxiang & Ma, Pengcheng & Yan, Shi & Cheng, Hui-Zhen & Fan, Zhi-Quan & Deng, Xiao-Hua & Ru, Kai & Wang, Chuan-Chao & Chen, Gang & Wei, Ryan. (2021). Shared paternal ancestry of Han, Tai-Kadai-speaking, and Austronesian-speaking populations as revealed by the high resolution phylogeny of O1a-M119 and distribution of its sub-lineages within China. American journal of physical anthropology. 174. 10.1002/ajpa.24240.
https://www.researchgate.net/publication/349144829_Shared_paternal_ancestry_of_Han_Tai-Kadai-speaking_and_Austronesian-speaking_populations_as_revealed_by_the_high_resolution_phylogeny_of_O1a-M119_and_distribution_of_its_sub-lineages_within_China

[4] Ko AM, Chen CY, Fu Q, et al. Early Austronesians: into and out of Taiwan. Am J Hum Genet. 2014;94(3):426-436. doi:10.1016/j.ajhg.2014.02.003

[5] Dựa theo the Atlas historique des migrations by Michel Jan et al. 1999 and “The Austronesian Basic Vocabulary Database” 2008.

[6] Mark Alves. Khái quát các nghiên cứu ngôn ngữ học về nguồn gốc của tiếng Việt . Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn 24 (2008) 187-202

[7] Lang Linh (2020), Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

[8] Lang Linh (2021), Ngữ hệ Nam Á và nền văn minh sông Dương Tử.
https://luocsutocviet.com/2021/09/28/552-ngu-he-nam-a-va-nen-van-minh-song-duong-tu/

[9] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[10] David, Wahyudi. (2011). Local food security and principle of organic farming (from farm to fork) in context of food culture in Indonesia: Minangkabau’s case study. 10.13140/RG.2.1.3022.5447.

[11] Rathina Sankari (2016, World’s largest matrilineal society.
https://www.bbc.com/travel/article/20160916-worlds-largest-matrilineal-society

[12] Lang Linh (2021), Người Việt theo chế độ phụ hệ từ khi nào?
https://luocsutocviet.com/2021/05/05/529-nguoi-viet-theo-che-do-phu-he-tu-khi-nao/

[13] Tùng Hương (2013), Thăm bộ tộc xăm mình đi săn đầu người thời xưa https://kenh14.vn/kham-pha/tham-bo-toc-xam-minh-di-san-dau-nguoi-thoi-xua-20130411112449146.chn

[14] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[15] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92

[16] Tâm Anh (2019), Rùng rợn nghi lễ tắm sọ người để xua đuổi tà ma
https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/rung-ron-nghi-le-tam-so-nguoi-de-xua-duoi-ta-ma-1257555.html

[17] Hải Hiền (2019) Nghi thức tang lễ ghê rợn của tộc người Toraja
https://vntravellive.com/tang-le-ghe-ron-cua-toc-nguoi-toraja-d28869.html

[18] Lang Linh (2021), Nguồn gốc và sự ảnh hưởng của văn minh Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/03/543-nguon-goc-va-su-anh-huong-cua-van-minh-dong-son/

[19] Lum, J. & McIntyre, James & Greger, Douglas & Huffman, Kirk & Vilar, Miguel. (2006). Recent Southeast Asian domestication and Lapita dispersal of sacred male pseudohermaphroditic “tuskers” and hairless pigs of Vanuatu. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America. 103. 17190-5. 10.1073/pnas.0608220103.

[20] Gutaker, R.M., Groen, S.C., Bellis, E.S. et al. Genomic history and ecology of the geographic spread of rice. Nat. Plants 6, 492–502 (2020). https://doi.org/10.1038/s41477-020-0659-6

[21] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[22] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

Share.